"Tôi cũng quen một người bạn được ba mẹ mua nhà cho. Căn nhà ở trung tâm, trong ngõ nhưng giá hiện tầm 7 tỷ đồng mà thu nhập dạy học nuôi con vất vả, nhiều lúc còn không có tiền để tiêu vì nhà cũng không cho ai thuê thêm phòng".
Độc giả Vuvavu chia sẻ như trên, sau bài viết Ở nhà 10 tỷ nhưng lương không đủ sống. Trong bài viết này, tác giả kể về trường hợp đang sống trong căn nhà được định giá cao, nhưng thu nhập hàng tháng lại không gánh nổi chi phí sinh hoạt.
Tương tự, độc giả Lam Minh Nhut nói:
"Tình hình của bạn tác giả và tác giả, là tình hình chung của nhiều người thuộc thế hệ 7X, 8X. Ở căn nhà cả chục tỷ, nhưng thu nhập thì không tương xứng nhưng vẫn không thể buông được.
Cụ thể như trong bài viết, không buông được do tâm lý, nhưng với nhiều người khác (trong đó có tôi) không thể buông còn do ở bề trên (phải phụng dưỡng cha mẹ già đã sống mấy chục năm trong căn nhà đó, hoặc do tâm lý của các bậc tiền bối chi phối...).
Bán không được, cho thuê cũng không xong, rời đi lại càng không thể, tóm lại đó chính là 'mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình'".
Độc giả nickname saumaithd phân tích cụ thể: "Vị trí nhà mới là quan trọng nhất. Tại sao họ không bán đi mua được vài nhà ở ngoại ô mà ở? Câu trả lời phải chính từ người trong cuộc. Bởi nếu bạn đang là chủ ngôi nhà đó chắc cũng cố thủ, có nhiều lý do, tôi là người sống ở lõi đô thị nên rất hiểu điều đó.
Đối diện nhà tôi có một chung cư cũ bốn tầng, hai căn đôi. Một đại gia mua lại toàn bộ để làm siêu thị nhỏ. Tất cả đều đồng ý bán, chỉ riêng một hộ tầng trệt được trả 3 tỷ ( giá cách đây 10 năm) có thể mua được hai căn ngoại ô, nhưng họ không bán cho đến nay. Bán nhà nội đô thì khó lòng mà mua lại, trong khi đó sống ở đây tiện đủ thứ. Thế nên người mua ngôi nhà đó không để cải tạo gì được nay chỉ để cho thuê phòng".
Độc giả nickname vuongdiep.official nêu: "Tôi có hai người bạn, nhà mặt tiền phố cổ buôn bán sầm uất nhưng mấy đời nhà bạn chưa bao giờ cho thuê, cũng không buôn bán tại nhà luôn dù cả phố kinh doanh.
Một người có biệt thự ven Hồ Tây ở không hết cũng nhất định không cho thuê chỉ với lý do 'nhà có bàn thờ cúng tổ tiên, không muốn dẹp đi và lại càng không muốn cho người ta thuê làm nhà nghỉ, khách sạn'.
Thế nên tác giả phân tích thì rất đúng, nếu như có kỹ năng quản lý tài sản cho thuê. Nhưng hãy tính đến những rủi ro:
- Người thuê vô ý thức làm nhà cửa nhanh xuống cấp, sau phải sửa chữa một khoản rất lớn, có thể bằng một vài năm tiền thuê.
- Nhà cho thuê kinh doanh nguy cơ cháy nổ, không mua bảo hiểm trong trường hợp xảy ra rủi ro thiệt hại lớn. Thực tế đã có người cho thuê nhà biệt thự xây thô ở khu đô thị mới vắng vẻ để kinh doanh phế liệu. Rồi xảy ra tai nạn nổ, người thuê tử vong, nhà hỏng nặng cũng không đền được ai. Không ai có tài sản tiền tỉ mà không biết tính toán sinh lời, chỉ là họ có những ưu tiên khác và mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau".
Hữu Nghị tổng hợp